GĐXH – Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được xác định mắc huyết khối tĩnh mạch não.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị một trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch não.
Người bệnh là nữ, 38 tuổi, trú tại xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Trước khi vào viện 4 ngày, người bệnh xuất hiện đau đầu, tự uống thuốc tại nhà nhưng không đỡ.
Sau đó, bệnh nhân xuất hiện ý thức chậm, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng Glasgow 13 điểm, tự thở, yếu tứ chi, chậm chạp. Người bệnh được các bác sĩ chỉ định chụp MRI, kết quả có hình ảnh nhồi máu não tại vị trí đồi thị 2 bên.
Phim chụp MRI não bệnh nhân: Hình ảnh nhồi máu đồi thị 2 bên. Ảnh BVCC
Nhận thấy nhồi máu đồi thị 2 bên là tổn thương khá bất thường, các bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ đã hội chẩn và đặt ra nghi vấn về 1 bệnh lý khá hiếm gặp, bệnh lý huyết khối tĩnh mạch não.
Người bệnh được chỉ định chụp MRI sọ não có dựng xoang tĩnh mạch (TOP2D), xét nghiệm đông máu D-dimer. Kết quả xác định đây là 1 trường hợp huyết khối tĩnh mạch não.
Bệnh nhân được kết luận: Hình ảnh huyết khối tĩnh mạch xoang ngang phải, xoang dọc trên, tĩnh mạch xoang thẳng lan theo tĩnh mạch não lớn và tĩnh mạch đồi thị hai bên, có phù não đồi thị hai bên và ổ thiếu máu não đồi thị phải.
Người bệnh đã được điều trị theo phác đồ của huyết khối tĩnh mạch não. Dùng thuốc chống đông để điều trị.
Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhân có tiến triển tốt. Từ rối loạn ý thức, Glasgow 13 điểm, hiện tại bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, Glassgow 15 điểm, cơ lực tay chân cải thiện, hiện có thể tự đi lại được.
Huyết khối tĩnh mạch não là gì?
Theo BSCKI. Nguyễn Anh Minh, Trung tâm Đột qụy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, huyết khối tĩnh mạch não là một loại đột quỵ trong đó huyết khối xảy ra ở phía tĩnh mạch của tuần hoàn não, dẫn đến tắc nghẽn một hoặc nhiều tĩnh mạch não và xoang tĩnh mạch màng cứng.
Huyết khối tĩnh mạch não có tỷ lệ mắc hàng năm dao động từ 1,16 đến 2,02/100.000, với tỷ lệ nữ/nam là 3:1, tuổi trung bình là 37 tuổi, tỷ lệ mắc trên 65 tuổi chỉ chiếm khoảng 8%.
Bệnh liên quan tới các yếu tố thoáng qua như thuốc tránh thai, mang thai, hậu sản, nhiễm trùng,…; các yếu tố vĩnh viễn gồm các bệnh lý đông máu bẩm sinh, các bệnh lý ác tính, tủy xương, hội chứng kháng Phospholipid,…
Bác sĩ Minh cho biết, tĩnh mạch não có nhiệm vụ dẫn lưu máu từ các thành phần của não về tim. Khi có huyết khối tĩnh mạch não hoặc xoang màng cứng sẽ cản trở sự thoát máu từ mô não, dẫn đến tổn thương nhu mô não (ví dụ như đột quỵ), làm tăng áp lực tĩnh mạch và mao mạch dẫn đến phá vỡ hàng rào máu não, gây ra tình trạng phù não, tăng áp lực nội sọ và xuất huyết tĩnh mạch (nhồi máu và xuất huyết kết hợp với nhau).
Biểu hiện của bệnh khá đa dạng, triệu chứng có thể gặp là đau đầu, co giật, tăng áp lực nội sọ (nhìn mờ, phù gai thị), liệt.
Các hướng dẫn của ESO năm 2017 khuyến cáo chụp MRI tĩnh mạch não hoặc chụp CT tĩnh mạch não để xác định chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch não. Tuy nhiên, chẩn đoán bệnh huyết khối tĩnh mạch não khá khó khăn.
Để chẩn đoán được người bác sĩ phải nghĩ tới bệnh lý về huyết khối tĩnh mạch vì triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng nhiều khi không điển hình và dễ nhầm lẫn với các trình trạng bệnh lý khác hoặc dễ bị bỏ qua.
Các chuyên gia cảnh báo, huyết khối tĩnh mạch não là một bệnh lý nguy hiểm và ít gặp, chẩn đoán khó. Do vậy, việc chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch não sớm khi người bệnh vào viện có ý nghĩa rất lớn đối với việc cấp cứu và điều trị, giúp tăng khả năng phục hồi cho người bệnh.
Người đàn ông ngoại quốc bị đột quỵ sau khi uống rượu
GĐXH – Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, tê bì chân tay, không đi lại được.