GD&TĐ -Vảy nến gây ảnh hưởng nặng đến làn da, khiến nhiều người bị kỳ thị, gây tác động đến tâm lý nặng nề lên người bệnh.
Minh họa/INT |
Vảy nến gây ảnh hưởng nặng đến làn da, khiến nhiều người bị kỳ thị, gây tác động đến tâm lý nặng nề lên người bệnh. Dù đây là bệnh lý không lây, nhưng hàng chục triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này vẫn đang đối mặt với những thách thức về tâm lý do sự kỳ thị từ xã hội.
Tự ti vì vảy nến
Là một người vui vẻ với công việc hướng dẫn viên du lịch, nhưng bệnh vảy nến đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh D.Q.V. (ngụ TPHCM). Anh V. thu mình lại, tự ti khi những vết vảy nến xuất hiện. Làm công việc phải tiếp xúc với nhiều người, gặp ánh mắt của mọi người nhìn mình, cảm giác tự ti của anh V. càng thêm tích tụ.
Cũng mắc căn bệnh vảy nến từ khi 8 tuổi, chị L.T.B.H. - nhân viên ngân hàng (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng, việc chấp nhận bản thân có vẻ ngoài không bình thường so với người khác là điều rất khó khăn. Lúc đầu, vảy nến chỉ xuất hiện một miếng nhỏ sau gáy, nhưng sau đó bắt đầu bị nhiều hơn, có giai đoạn chị H. phải cạo trọc đầu.
“Trong suốt quá trình điều trị bệnh, tôi từng nghĩ đến cái chết hơn 10 lần khi không thể chấp việc vảy nến quá nhiều. Nhưng giây phút mẹ vừa cạo tóc, vừa khóc, tôi chợt nhận ra rằng, nỗi đau của tôi chưa là gì so với nỗi đau của mẹ, của gia đình. Nhờ đó, suốt 25 năm qua, ngoài việc dùng thuốc để điều trị, tôi thường xuyên ổn định tâm lý, cải thiện chất lượng cuộc sống để có thể sống vui, sống khỏe cùng bệnh”, chị H. chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề tâm lý của người bệnh vảy nến, TS Bùi Hồng Quân - chuyên gia tâm lý, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, khi người bệnh đối diện với triệu chứng vảy nến, đừng tập trung vào cảm giác ngứa mà hãy “vỗ về” vết ngứa, tuyệt đối không nên suy nghĩ tiêu cực.
“Đừng cố gắng nghĩ vì sao bản thân lại mắc bệnh mà nên nghĩ rằng mình may mắn hơn rất nhiều người đang mắc các căn bệnh mạn tính hoặc nan y khác. Khi sống vui, tình trạng bệnh sẽ đỡ hơn. Tâm lý không chấp nhận, hoài nghi, hụt hẫng, thất vọng là những diễn tiến bình thường. Người bệnh cần xác định sống chung với bệnh lâu dài. Từ đó, tâm trạng người bệnh lạc quan, thoải mái, giúp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và đáp ứng các phương pháp điều trị tốt hơn. Hiện nay, thuốc và tác động đông y hoàn toàn có thể cải thiện vảy nến”, TS Quân lưu ý.
Ngày 29/10 hàng năm là ngày hàng chục triệu bệnh nhân vảy nến trên toàn thế giới tổ chức kỷ niệm để nhắc nhở với cộng đồng rằng, đây là căn bệnh không lây nhưng những người mắc căn bệnh này vẫn sống chung với nó mỗi ngày.
BS.CKII Nguyễn Thị Phan Thúy - Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, theo thống kê, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 52.000 bệnh nhân vảy nến. Theo đó, vảy nến không chỉ là một căn bệnh mà là cả một hành trình thách thức tâm lý xã hội.
“Ngày vảy nến là dịp để mỗi người chúng ta thắp lên hạnh phúc, mỗi bệnh nhân vảy nến là một ngọn nến kiên cường. Ngoài việc tổ chức kỷ niệm ngày vảy nến thế giới 29/10, bệnh viện liên tục cập nhật các phương pháp điều trị, triển khai phòng khám chuyên sâu về vảy nến nhằm tạo điều kiện cho người bệnh biết thêm các phương pháp điều trị mới, kết nối cộng đồng bệnh nhân vảy nến”, BS Thúy cho biết.
Sống chung… với nến
Bệnh nhi 12 tuổi bị vảy nến khớp. Ảnh: L.A
Thực tế, vảy nến chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu điều trị sớm, đúng cách, người bệnh vẫn có cuộc sống sinh hoạt gần như người bình thường. Hiện, y học có 4 nhóm phương pháp điều trị, gồm thuốc thoa, chiếu ánh sáng toàn thân, thuốc uống, thuốc sinh học.
Trong đó, thuốc sinh học là phương pháp điều trị mới nhất, nhắm trúng đích hơn với độ an toàn và hiệu quả cao, giúp bệnh nhân có cuộc sống gần như người bình thường. Tuy nhiên, chi phí điều trị bằng thuốc sinh học cao, trừ bảo hiểm y tế, người bệnh phải chi trả hơn 9 triệu đồng một tháng.
ThS.BS Phạm Thị Uyển Nhi - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, bệnh vảy nến là kết quả sự tương tác giữa 3 yếu tố môi trường - di truyền - miễn dịch.
Các yếu tố môi trường đóng vai trò khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng vảy nến của người bệnh là stress, tổn thương da, nhiễm trùng, một số loại thuốc, hút thuốc lá, uống rượu bia... Nguyên nhân mắc bệnh vảy nến có thể di truyền trong gia đình. Khoảng 1/3 người mắc bệnh vảy nến báo cáo có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Các nghiên cứu về cặp song sinh giống hệt nhau cho thấy 70% khả năng một cặp song sinh mắc bệnh nếu người kia mắc chứng rối loạn này. Tỷ lệ này chiếm 20% ở cặp song sinh không giống hệt nhau. Những phát hiện này cho thấy cả tính nhạy cảm di truyền và phản ứng môi trường trong việc phát triển bệnh vẩy nến.
Đặc biệt, bệnh vảy nến có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm khớp vảy nến, u lympho, tim mạch, bệnh Crohn và trầm cảm. Riêng viêm khớp, vảy nến ảnh hưởng đến 30% số người mắc bệnh; những người trẻ tuổi mắc bệnh vảy nến cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Theo BS Nhi, bệnh vảy nến là bệnh ngoài da gây phát ban với các mảng ngứa, có vảy chủ yếu ở đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu. Vị trí tổn thương khi mắc bệnh vảy nến có màu hồng hoặc đỏ, thậm chí màu tím hoặc nâu sẫm; riêng vảy có thể màu trắng, bạc hoặc xám. Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính kéo dài.
Đây là bệnh không lây, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện từ 20 - 30 tuổi và từ 50 - 60 tuổi. Tỷ lệ mắc giữa nam và nữ tương đương nhau. Bên cạnh đó, vấn đề tâm lý làm tình trạng bệnh trở nên nặng, khiến bệnh khó kiểm soát hơn.
Thực tế, bệnh nhân không chỉ gánh chịu tổn thương từ bệnh mà còn đối mặt với không ít sự kỳ thị từ những người xung quanh. Tình trạng này kéo dài, bệnh nhân dễ thiếu tự tin, xấu hổ, bị cô lập, phân biệt đối xử, hạn chế xã hội, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày... Thậm chí, nhiều trường hợp nặng có thể gây các bệnh lý trầm cảm, có suy nghĩ tự tử.
“Khi phát hiện bệnh vảy nến, người bệnh nên đến những cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị thích hợp. Không được tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thuốc theo quảng cáo để điều trị vảy nến, về lâu dài sẽ làm mất cơ hội chăm sóc lúc đầu để hạn chế nguy cơ tàn phế sau này cho người bệnh”, BS Nhi khuyến cáo.
Có 4 phương thức điều trị bệnh vảy nến, gồm: Dùng thuốc thoa và phối hợp với các phương pháp khác giúp điều trị vảy nến ở mức độ nhẹ - trung bình, cải thiện triệu chứng ở mức độ nặng hơn; điều trị chiếu ánh sáng toàn thân (quang trị liệu), phương pháp này cần đến bệnh viện 2 - 3 lần mỗi tuần; dùng thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ và cần thăm, khám định kỳ; điều trị bằng thuốc sinh học nhưng bảo hiểm y tế chỉ chi trả 40 - 50%.
Tin liên quan Tâm thần phân liệt do mắc vảy nến Bệnh vảy nến có điều trị dứt điểm được không?