Có những ca bệnh để lại bài học sâu sắc, buộc chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về tầm quan trọng của việc tái khám định kỳ và kiểm tra chức năng thận sau khi điều trị sỏi", bác sĩ bệnh viện Đa khoa Đức Giang lên tiếng.
"Có những ca bệnh để lại bài học sâu sắc, buộc chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về tầm quan trọng của việc tái khám định kỳ và kiểm tra chức năng thận sau khi điều trị sỏi", bác sĩ bệnh viện Đa khoa Đức Giang lên tiếng.
Ngày 30/6, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 65 tuổi, có tiền sử sỏi niệu quản và đã từng được tán sỏi ngược dòng cách đây 2 năm. Tuy nhiên bệnh nhân hoàn toàn không tái khám hay kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hậu quả là, người đàn ông nhập viện trong tình trạng tiểu khó, không tiểu được. Khi nhập viện bác sĩ chẩn đoán suy thận cấp độ V do sỏi niệu quản hai bên gây tắc nghẽn hoàn toàn đường nước tiểu.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân
Theo chuyên gia, sỏi tiết niệu có thể trở thành "kẻ giết người thầm lặng" nếu chúng ta chủ quan. Khi sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu, nước tiểu không thể thoát ra, gây ứ đọng và áp lực lên thận. Nếu tình trạng này kéo dài, thận sẽ dần mất đi chức năng của mình, dẫn đến suy thận mạn tính hoặc cấp tính, thậm chí có thể phải đối mặt với lọc thận hay ghép thận.
Trường hợp của bệnh nhân 65 tuổi trên là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, dù đã từng điều trị sỏi thành công, nguy cơ sỏi tái phát vẫn luôn hiện hữu, và quan trọng hơn, sỏi có thể gây tổn thương thận một cách âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi quá muộn.
May mắn thay, với sự can thiệp kịp thời bao gồm lọc thận cấp cứu và đặt ống thông niệu quản (JJ stent) trái, dẫn lưu thận phải qua da để giải quyết tắc nghẽn, chức năng thận của bệnh nhân đã cải thiện rất nhiều sau 2 ngày điều trị.
Chuyên gia khuyến cáo người dân đừng để thận kêu cứu khi đã muộn
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân đã từng bị sỏi tiết niệu, dù đã được điều trị bằng phương pháp nào (tán sỏi, phẫu thuật, hay chỉ theo dõi), hãy lưu ý:
Sỏi có thể tái phát: Nguy cơ hình thành sỏi mới hoặc sỏi cũ phát triển trở lại luôn tồn tại.
Tổn thương thận có thể không có triệu chứng sớm: Thận có khả năng bù trừ rất tốt, nên khi bạn cảm thấy có vấn đề, có thể tổn thương đã khá nặng.
Tái khám định kỳ là cách bảo vệ thận tốt nhất: Việc siêu âm, xét nghiệm nước tiểu và máu (đánh giá chức năng thận) định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề của thận như sỏi tái phát hay suy giảm chức năng thận, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh được những biến chứng nghiêm trọng.