Minh Uyên không phải là một cái tên nổi bật trong làng nhạc Việt nhưng cô vẫn sống tốt từ cái nghề mà ông Tổ đã chọn mình gần chục năm qua.
Minh Uyên không phải là một cái tên nổi bật trong làng nhạc Việt nhưng cô vẫn sống tốt từ cái nghề mà ông Tổ đã chọn mình gần chục năm qua.
Bỏ nhà đi để thể hiện quyết tâm theo đuổi âm nhạcMinh Uyên có được gia đình ủng hộ khi chọn theo nghệ thuật?
Ban đầu chỉ có mẹ ủng hộ nhưng khi thấy tôi thật sự đam mê, dốc hết tâm huyết của mình vào âm nhạc thì sau đó bố cũng đồng ý.
Minh Uyên có khó khăn để thuyết phục bố ủng hộ mình?
Năm lớp 12, tôi từng bỏ nhà đi để thể hiện cho bố thấy mình thật sự nghiêm túc và quyết tâm theo đuổi âm nhạc. Tôi ra ngoài thuê nhà trọ sinh viên ở, đi hát các tụ điểm, phòng trà để kiếm tiền, tự chi trả mọi chi phí sinh hoạt trong cuộc sống của mình.
Lúc đó, cát xê mỗi đêm hát chỉ 50.000 đến 70.000 đồng, dù rất khó khăn nhưng tôi vẫn kiên trì và vượt qua giai đoạn đó. Cho tới khi thấy tôi theo đuổi nghề này một cách nghiêm túc bằng việc thi đậu Học viện Âm nhạc Huế, khoa Sư phạm thì bố mới ủng hộ và vui vẻ trở lại
Tôi mê hát từ nhỏ. Từ tiểu học đã tham gia các chương trình văn nghệ của trường. Hầu như năm nào, tôi cũng làm lớp phó văn thể mỹ. Năm lớp 12, tôi đạt giải Ba Đơn ca thành phố Huế. Năm 2009 khi là sinh viên Nhạc viện, tôi tiếp tục thi và đạt giải Nhì cuộc thi này một lần nữa.
Minh Uyên học khoa Sư phạm của Nhạc viện nhưng khi được giữ lại trường, Uyên lại từ chối. Tại sao vậy?
Chính xác là tôi từng dạy ở Nhạc viện 2 năm và có khoảng thời gian dạy ở một trường quốc tế cho học sinh cấp 2 nhưng khi đã thử cả hai môi trường làm việc, tôi thấy mình không phù hợp với sự khuôn khổ của một nhân viên công chức. Đi hát, tôi được sáng tạo nhiều hơn, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, học được những thứ mới mẻ. Thế nên tôi quyết định dừng công việc dạy học để được đứng trên sân khấu hát với tư cách một ca sĩ chuyên nghiệp.
Bài học về thái độ trước sự thất bạiTôi nhớ năm 2015, Minh Uyên thi The Voice và là thành viên đội Tuấn Hưng. Uyên được và mất những gì từ cuộc thi đó?
The Voice là bàn đạp cho rất nhiều người còn đang thiếu cơ hội để được khán giả biết đến, bởi chỉ sau một đêm thi, các bạn đã nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Thời điểm đó, tôi quyết định dấn thân vào con đường ca hát chuyên nghiệp nên đăng ký thi The Voice. Và đúng là, chỉ sau một đêm thi, lượng người folow facebook tôi đã tăng lên hơn 20.000. Sau cuộc thi đó, tôi được nhiều người biết tới và book show rất nhiều. Cơ hội trong công việc, cuộc sống đều mở ra dù cuộc thi đó, tôi chỉ dừng lại ở vòng Đối đầu.
Bên cạnh những điều đó, tôi còn nhận được một bài học lớn về cuộc sống, bài học về thái độ của mình trước sự thất bại. Thất bại, ai cũng buồn, cũng thất vọng nhưng cách mình thể hiện rất quan trọng. Hồi đó, tôi còn trẻ con nên sự thể hiện hơi quá. Tôi cứ nghĩ mình sẽ được đi tiếp nhưng khi phải dừng lại, tôi khóc rồi trách móc người thầy của mình. Đó là sự trẻ con. Mình còn nhỏ quá nên không biết tiết chế, nghĩ sao nói vậy.
Minh Uyên có hối tiếc về điều đó?
Tôi không hối tiếc. Tôi nghĩ, cái gì đến và đi trong cuộc đời mình đều có lý do, có sự sắp đặt của số phận rồi. Câu chuyện đó cho tôi bài học để sau này, mình trưởng thành hơn và biết cách cư xử hơn. Hơn nữa, tiếc thì cũng không thay đổi được gì, tôi chỉ biết dặn mình, không được để điều tương tự lặp lại nữa thôi.
Cứ sau mỗi cuộc thi, lại khóc, lại tủi thân, lại thất vọng...Ngoài The Voice, Minh Uyên còn tham gia Tuyệt đỉnh song ca – Cặp đôi vàng đội Đàm Vĩnh Hưng, Sao Mai Tiếng hát truyền hình, Hợp ca tranh tài, Vietnam idol và nhiều chương trình truyền hình thực tế khác nhưng không mấy thành công. Giống như có “lời nguyền” với những người xuất thân từ Học viện, việc hát quá kỹ thuật khiến họ khó đạt giải cao. Uyên có nghĩ vậy?
Tôi nghĩ là đúng một phần. Các cuộc thi đòi hỏi sự sáng tạo trong cách thể hiện, đòi hỏi cá tính âm nhạc riêng nhưng những người học từ Nhạc viện hay bị hát khuôn khổ, kỹ thuật. Cái chất kỹ thuật đó ngấm vào máu của họ rồi, việc thay đổi rất khó nên không tạo ra được cá tính âm nhạc riêng và cũng rất khó để đào tạo lại. Cho nên những bạn từ nhạc viện ra ít được chọn.
Tính tới thời điểm này, Minh Uyên vào nghề đã gần 10 năm, dù cũng được nhiều người biết tới nhưng để thực sự nổi tiếng thì không. Điều đó có làm bạn tủi thân?
Sự tủi thân và buồn chắc chắn là rất nhiều. Tôi đi thi rất nhiều nhưng chưa bao giờ chạm được tới điều mình mong muốn. Cứ sau mỗi cuộc thi, tôi lại khóc, lại tủi thân, lại thất vọng. Cảm giác đó còn đau khổ hơn cả việc bị người yêu bỏ, giống như một bầu trời sụp đổ vậy. Thế nhưng sau đó, tôi vẫn tiếp tục tìm cơ hội khác chứ không nản lòng từ bỏ.
Sau rất nhiều cuộc thi, tôi nhận ra rằng, dù không được giải thưởng như mình mong muốn thì cái tôi được là những người bạn, những người thầy trong cuộc sống, trong nghề nghiệm. Với tôi, đó là những điều quý giá nhất. Tôi cũng ra sản phẩm nhưng chưa được khán giả biết tới nhiều.
Có lúc nào Minh Uyên nghĩ ông Tổ đã khắc nghiệt với mình?
Không. Tôi nghĩ, là mình không có duyên với thi thố, không có duyên với giải thưởng thôi. Có lẽ khả năng của tôi là ở chỗ khác vì dù đi thi không được như mong muốn thì tôi vẫn có nhiều show. Với tôi, được đứng trên sân khấu, được sự công nhận của khán giả, dù chỉ là một số người yêu quý mình thì tôi cũng đã bằng lòng và hạnh phúc rồi.
Cảm ơn Minh Uyên đã chia sẻ và chúc bạn thành công hơn nữa trong sự nghiệp âm nhạc!