Trang Chủ / Tin Tức / Bão số 9: Đất liền bắt đầu mưa lớn, huy động 7 trực thăng ứng phó

Bão số 9: Đất liền bắt đầu mưa lớn, huy động 7 trực thăng ứng phó

Tin Tức

Bão số 9 còn cách đất liền hơn 300km nhưng cũng đã gây mưa tại nhiều tỉnh. Hiện các tỉnh miền Trung đã đóng cửa 6 sân bay, dừng chạy tàu hỏa để tránh bão.

Bão số 9 còn cách đất liền hơn 300km nhưng cũng đã gây mưa tại nhiều tỉnh. Hiện các tỉnh miền Trung đã đóng cửa 6 sân bay, dừng chạy tàu hỏa để tránh bão.

Chiều 27-10, sau khi thăm hỏi người dân tại khu sơ tán Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đoàn công tác chia thành 3 mũi đi kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão.

Phó thủ tướng tiếp tục đi kiểm tra công tác tác ứng phó bão tại khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Đoàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn kiểm tra công tác đảm bảo an ninh an toàn cho người dân tại Quảng Nam, Đà Nẵng.

Tại Hội An, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm, các nhà yếu sẽ không chịu nổi.

"Nên bà con chịu khó vất vả, thực hiện ý kiến chỉ đạo chính quyền, chủ động sơ tán. Tôi đề nghị lực lượng công an bảo vệ tài sản người dân, bảo vệ an ninh trật tự để bà con yên tâm. Tôi cũng đề nghị chính quyền bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán. Khi an toàn, chúng ta sẽ trở về", phó thủ tướng chia sẻ với người dân địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, bảo vệ các cơ sở kinh tế ven biển, nhà cửa, tài sản của người dân.

Thông tin từ Sư đoàn không quân 372 thì đơn vị này đang sẵn sàng 7 trực thăng để nhận lệnh lên đường cứu hộ, cứu nạn sau khi bão Molave đổ bộ vào miền Trung.

Bão số 9: Đất liền bắt đầu mưa lớn, huy động 7 trực thăng ứng phó

Trực thăng Sư đoàn Không quân 372 cứu trợ nhu yếu phẩm cho người dân huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), ngày 23/10. Ảnh: Đông Khanh.

"Trực thăng sẽ không bay trong bão. Sau bão, những khu vực nào bị cô lập, cần ứng cứu mà đường thủy hoặc đường bộ không tiếp cận được người dân thì trực thăng sẽ lên đường để cứu hộ, cứu nạn", đại tá Hoàng Văn Chiến, Phó Chính ủy Sư đoàn không quân 372 (đóng tại Đà Nẵng), nói.

Ông cho biết, trực thăng sẽ làm các nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những khu vực cô lập, cấp cứu người bị thương ngay sau khi bão tan với quyết tâm có mặt sớm nhất ở những khu vực cần ứng cứu. "Đơn vị đang trực 100% quân số, sẵn sàng chờ lệnh điều động của Bộ Quốc phòng", đại tá Chiến nói.

Đến 18h, tại khu vực gần biển huyện Núi Thành, TP Tam Kỳ đã bắt đầu có mưa sau những ngày nắng ráo. Theo ghi nhận của PV, ở TP Tam Kỳ bắt đầu có mưa nhỏ nhưng không có gió. Tại miền biển huyện Núi Thành, nhiều người dân cho biết mưa đã nặng hạt kèm theo gió mạnh.

Gần 10.000 người dân sống ở ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt ở ba xã Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng (TP Tam Kỳ) đã được lực lượng phòng chống thiên tai tỉnh này đưa về các trường học, nhà văn hóa để tránh trú bão số 9.

Bão số 9: Đất liền bắt đầu mưa lớn, huy động 7 trực thăng ứng phó

Người dân cột lại nhà tránh bão (ảnh: Kênh 14)

Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai đã bố trí 8 điểm tiếp nhận dân, chuẩn bị lương thực, nước uống trong vòng hai ngày, phát đồ dùng cá nhân như chăn, chiếc, xếp bàn thành giường. Cán bộ y tế theo dõi cho những người mắc bệnh tại các điểm tiếp nhận dân. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - ban quản lý tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam - cho biết, đã bố trí hơn 20 phòng để đón hơn 600 người dân. "Chúng tôi còn huy động nguồn vốn xã hội để mua lương thực và nước uống cho người dân trong vòng hai ngày tránh bão", bà nói.

Từ hơn 17h10 ngày 27-10, tại xã ven biển Bình Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã bắt đầu có mưa lớn. Người dân đang khẩn trương di chuyển về nhà hoặc đến những nơi trú ẩn mà chính quyền địa phương đã hướng dẫn từ trước.

Ông Nguyễn Thanh Vũ - chủ tịch UBND xã Bình Đông - cho biết, đến thời điểm này, địa phương đã di dời 4.000 người đến nơi trú ẩn an toàn, trong đó đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Hiện, số còn lại chủ yếu là thanh niên cũng sẽ được đưa đến nơi ở an toàn.

Anh Huỳnh Quyết (khu phố Thiện Chánh 2, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), cho biết gia đình anh đã chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 9 từ hai ngày nay. Anh đã mua bao cát chèn mái tôn, chằng chống những nơi xung yếu trong nhà và mua lương thực tích trữ cho 3-4 ngày.

Bão số 9: Đất liền bắt đầu mưa lớn, huy động 7 trực thăng ứng phó

Ven biển Quảng Ngãi đã xuất hiện mưa to trắng trời - Ảnh: Đoàn Cường

Trước cơn bão số 9 được đánh giá là rất nguy hiểm, anh Quyết chia sẻ rất lo lắng. Tuy nhiên, anh quyết định không di dời vì cho rằng nhà mình tương đối kiên cố và có dãy núi bên cạnh chắn gió. "Nếu tình hình bão căng quá, tôi sẽ đưa cả nhà đến trường học hoặc các khách sạn cao tầng tránh trú để an toàn hơn", anh Quyết chia sẻ.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 15h hôm nay 27-10, tâm bão số 9 ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 580km, cách Quảng Nam 520km, cách Quảng Ngãi 470km, cách Phú Yên 390km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. 

Đến 13h ngày 28-10, tâm bão trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 11,0 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 - 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 1h ngày 29-10, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới Lào-Thái Lan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.

Do ảnh hưởng bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Từ chiều nay 27-10, vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. 

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.

Xem thêm: Thông tin mới nhất, tin nóng nhất trong ngày

Nguồn: vietbao.vn

Bão số 9: Đất liền bắt đầu mưa lớn, huy động 7 trực thăng ứng phó - Tin Tức