Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 79 tuổi (ở Thanh Ba, Phú Thọ) vào cấp cứu với thể trạng suy kiệt.
Theo đó, bệnh nhân được mọi người mách rằng ăn mật cá sẽ giúp bồi bổ, tốt cho mắt nên đã sử dụng mật cá trôi. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, người bệnh xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều, đau bụng dữ dội,... Bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại cơ sở y tế tuyến huyện.
3 ngày sau khi ăn mật cá, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu với thể trạng suy kiệt.
Sau hơn 4 ngày, tình trạng bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch và hiện tiếp tục được theo dõi theo phác đồ điều trị ngộ độc.
Người bệnh vẫn đang được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (Ảnh: BVCC)
Trước đó, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng mới tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc mật cá trắm trong tình trạng rất nặng, phải điều trị trị tích cực.
Trường hợp thứ nhất là nữ bệnh nhân 77 tuổi, trú tại Thái Bình. Theo người thân, do tin mật cá trắm có công dụng tốt cho sức khỏe nên cụ bà nuốt mật đã được nấu chín tới. Sau vài giờ đồng hồ bệnh nhân thấy buồn nôn và nôn nhưng giấu không cho con cháu biết.
Khi triệu chứng nặng như nôn ói, bí tiểu bệnh nhân mới báo cho các con và được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà bị suy gan, suy thận nên chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai.
Trường hợp thứ 2 là nam bệnh nhân 47 tuổi ở Phú Thọ. Sau khi ăn món cá trắm kho (gồm thịt cá, lòng cá và mật cá), cùng 2 người bạn thì có biểu hiện ngộ độc như đau tức bụng, buồn nôn và nôn. Được gia đình nhanh chóng đưa đến trạm y tế xã để sơ cứu, sau đó bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi đến Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Theo các bác sĩ, thực tế, các loại mật cá dòng cá chép như cá trắm, cá trôi, cá chép, cá hô, cá éc đều có thể gây ngộ độc. Cá càng to thì khả năng gây ngộ độc càng nhiều. Cá trôi chỉ nặng 0,5kg nhưng khi uống mật cá cũng gây suy thận cấp. Mật của cá trắm từ 3kg trở lên chắc chắn gây ngộ độc và có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Độc tố trong mật cá được xác định là Cyprinol sulfat, một acid mật C27. Khi vào cơ thể người gây độc tới các cơ quan nội tạng, cơ quan sinh sản và máu. Mặc dù ngộ độc các loại cá khác nhau, nhưng bệnh cảnh lâm sàng tương tự nhau, phù hợp với cùng một loại độc tố.
Độc tố chỉ có trong mật, gan và tụy của cá không có trong thịt cá.
Độc tố rất bền đối với nhiệt, vì vậy nạn nhân vẫn có thể bị ngộ độc sau khi ăn mật cá đã nấu chín.
Thúy Ngà